11:01 ICT Thứ tư, 29/03/2023

Trang nhất » Tin Tức » Căn cứ Cục Hậu cần

Giới thiệu Căn cứ Cục hậu cần

Thứ hai - 18/01/2016 19:54
Địa điểm căn cứ Cục hậu cần Quân giải phóng miền Nam việt Nam giai đoạn 1973-1975 (Cục Hậu cần Miền).
Tháng 10 năm 1963, Phòng Hậu cần Miền được thành lập. Để đáp ứng sự phát triển nhanh chóng của chiến trường miền Nam, ngày 10 tháng 12 năm 1964, Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền quyết định thành lập Cục Hậu cần Miền trên cơ sở phát triển Phòng Hậu cần Miền. Cục Hậu cần miền là một đơn vị chịu sự chỉ huy trực tiếp của Bộ Chỉ huy quân giải phóng miền Nam Việt Nam.
Năm 1973, Cục Hậu cần Miền chuyển từ Campuchia về lập căn cứ tại khu vực Cầu Trắng – Lộc Ninh (xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh) để thuận lợi cho việc tiếp nhận hậu cần theo theo đường vận tải chiến lược 559, cũng để tiện chỉ huy, chỉ đạo các chiến lược phía trước, phía sau của Cục Hậu cần Miền, phục vụ kháng chiến góp phần quan trọng và đại thắng mùa Xuân 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
 
b) Các tên gọi khác của di tích:
Qua tìm hiểu, tham khảo một số tài liệu như: Tổng kết công tác hậu cần chiến trường nam bộ - cực nam trung bộ (B2) trong kháng chiến chống Mỹ, Nxb. Quân đội nhân dân,1986; lịch sử hậu cần quân khu 7 (1975-2000), Nxb.quân đội nhân dân 2000; Cung trầm trong bản hùng ca, Nguyễn Tiến Hải, Nxb. Quân đội nhân dân, 2001 và căn cứ của Quân ủy và Bộ chỉ huy Miền trong chiến tranh chống Mỹ (1945-1975), Nxb. Quân đội nhân dân, 1996. Nhận thấy: Cục Hậu cần Quân giải phóng miền Nam Việt Nam giai đoạn 1973-1975 còn có những tên gọi khác như:
- Bộ Tư lệnh quân giải phóng miền Nam Việt Nam - Cục Hậu cần.
- Cục Hậu cần Miền.
- Cục Hậu cần Miền B2.
- Căn cứ Hậu cần Miền.
- Căn cứ cục Hậu cần Miền.
- Căn cứ Cầu Trắng.
- Hậu cần Quân giải phóng miền Nam Việt Nam.
- Hậu cần B2.
2. Đặc điểm và đường đến di tích:
a) Địa điểm:
Hiện nay, di tích tọa lạc tạ ấp Hiệp Hoàn, xã Lộc Hiệp huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.
b)Đường đi đến di tích:
Từ trung tâm Thị Trấn Lộc Ninh hướng đi huyện Bù Đốp khoảng 10km là đến di tích. Có thể đi đến di tích thuận lợi bằng xe máy và ôtô.
3. Phân loại di tích:
Di tích lịch sử.
4. Sự kiện đặc điểm của di tích:
a) Sự kiện đặc điểm của di tích:
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, vấn đề hậu phương và căn cứ luôn luôn chiếm vị trí hàng đầu và là một trong những vấn đề cơ bản quyết định tới sự thành bại, sống còn. Căn cứ cách mạng là nơi đứng chân của bộ máy chỉ đạo, chỉ huy chiến tranh, là hậu cứ và là bàn đạp xuất phát của các lực lượng vũ trang và hoạt đông vũ trang, là nơi tồn trữ và diều hành cung cấp hậu cần cho chiến tranh.
Ngày 7 thánh 4 năm 1972, Lộc Ninh được hoàn toàn giải phóng và trở thành thủ phủ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Vùng giải phóng được mở rộng là một thuận lợi rất lớn cho việc xây dựng căn cứ. Sau khi Hiệp định Pa-ri đươc ký kết (27/01/1973), để phù hợp với tình hình mới có lợi cho cách mạng miền Nam, Bộ Chỉ huy Miền đã dời căn cứ từ huyện Dương Minh Châu (tỉnh Tây Ninh) về căn cứ Tà Thiết tại xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Long cũ (nay là tỉnh Bình Phước). Lúc này căn cứ Bộ Chỉ huy Miền được chia làm hai khu vực: vòng trong và vòng ngoài. Vòng trong gồm Bộ Tư lệnh, một số nhà khách để đón các đồng chi lãnh đạo Trung ương Cục sang làm việc và các cơ quan chủ yếu của Cục Tham mưu, Cục Chính trị, cơ quan Chủ nhiệm hậu cần. Vòng ngoài của căn cứ dịch về phía giáp 2 xã Lộc Thành và Lộc Tấn, gồm các bộ phận xung quanh  Bộ Chỉ huy Miền, Cục Tham mưu, Cục Chính trị, Cục Hậu cần (riêng cục Hậu cần đóng ở Cầu Trắng và gần ngã ba Lộc Tấn).
Đầu mùa khô năm 1972 – 1973, cục Hậu cần Miền từ Campuchia chuyển về đóng căn cứ tại khu vực Cầu Trắng (xã Lộc Hiệp, huyên Lộc Ninh) để thuận lợi chỉ huy, chỉ đạo các lực lượng phía trước, phía sau cục Hậu cần Miền, phục vụ kháng chiến. Khu vực này vừa có rừng rậm, vừa có hồ nước tự nhiên rất rộng, vừa gần tuyến vận chuyển từ biên giới Campuchi sang, từ Tây Nguyên xuống phía Tây Bắc Sài Gòn rất thuận lợi cho công tác tổ chức lực lượng bảo đảm hậu cần, cũng như nhận sự chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Miền. Các cơ quan trụ sở của Cục Hậu cần Miền chủ yếu được làm bằng tre, cây rừng và hợp lá trung quân.
Tháng 3 năm 1973, Bộ Tổng Tư lệnh cử một đoàn cán bộ do đồng chí Đinh Đức Thiện – Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần dẩn đầu vào thị sát, kiểm tra công tác hậu cần chiến trường B2 để ra kế hoạch chi viện chiến trường 3 năm (1973-1975). Đoàn đã chỉ đạo chiến trường đẩy mạnh xây dựng căn cứ địa, phát triển sản xuất, cũng cố giao thông vận tải, điều chỉnh lại tổ chức, bố trí lực lượng để đưa thế và lực hậu cần trên chiến trường lên một bước vững chắc, đảm bảo cho thắng lợi cách mạng.
Tháng 3 năm 1973, tại căn cứ Cục Hậu cần Miền, Đảng ủy Cục Hậu cần Miền tổ chức Hội nghị kiểm điểm công tác lãnh đạo, chỉ đạo năm 1972, đặc biệt là nhiệm vụ bảo đảm hậu cần cho “Chiến dịch Nguyễn Huệ” và đề ra phương hướng hoạt động cho các cơ quan đơn vị của Cục trong tình hình mới.
Ngày 30 tháng 04 năm 1973, thường vụ Đảng ủy Cục Hậu cần Miền họp, tiếp tục cụ thể hóa những nội dung, phương hướng mà Hội nghị Đảng ủy Cục Hậu cần Miền đã xác định trước đó. Hội nghi nhấn mạnh công tác trọng tâm trước mắt là thu mua dự trữ lương thực, cũng cố tổ chức các phòng, ban, cơ quan các Đoàn Hậu cần theo phương châm tăng cường lực lượng cho các Đoàn Hậu cần phía trước, ổn định tổ chức trường Hậu cần, trường trung cấp Y dược, nhanh chóng xây dựng trường trung cấp Kỷ thuật và một số đơn vị cơ sở mới…
Sau khi về khu vực Cầu Trắng, Cục Hậu cần Miền đã điều chỉnh bố trí, vừa đảm bảo cho các chiến dịch bảo vệ và mở rộng vùng giải phóng như chiến dịch giải phóng Phước Long, Đường 20… tạo thế nối liền, vững chắc với các tuyến chi viện 559, vừa vươn sâu, áp sát mục tiêu Sài Gòn bằng các đoàn hậu cần khu vực. Đồng thời tạo nguồn dự trử vật chất, kỷ thật lớn bằng cách thu mua, khai thác tại chỗ và tiếp nhận sự chi viện của Trung ương qua tuyến 559.
Ngày 14 tháng 01 năm 1975, Cục Hậu cần Miền đã họp xác định phương hướng, kế hoạch bổ sung nhiệm vụ cho các đoàn hậu cần bước vào đợt 2 mùa khô 1974-1975 với phương châm hành động là: Bảo đảm cho các lực lượng vũ trang ba thứ quân vừa tác chiến vừa xây dựng, càng đánh càng mạnh, giành thắng lợi to lớn trên tất cả các chiến trường.
Để chuyển bị cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định (ngày 14 tháng 1 năm 1975 được đổi tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh). Đầu tháng 4 năm 1975, thay mặt Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch, Trung tướng Đinh Đức Thiện đã giao nhiệm vụ cho Cục Hậu cần Miền thực hiện nhiệm vụ hậu cần chiến dịch. Theo quyết định của Bộ Chỉ huy chiến dịch, Cục Hậu cần Miền được tổ chức thành cơ quan Hậu cần chiến dịch. Cục trưởng Cục Hậu cần Miền giai đoạn 1973-1975 là Thiếu tướng Bùi Phùng.
Để chuyển bị trực tiếp cho chiến dịch lịch sử này, trên cơ sở thế trận hậu cần Miền, lực lượng được tăng cường, hậu cần chiến dịch điều chỉnh phù hợp với quyết tâm của Bộ Tư lệnh chiến dịch, đảm bảo phục vụ cho 5 hướng tiến công vào giải phóng Sài Gòn. Đồng thời chỉ đạo các Đoàn Hậu cần tích cực, chủ động chuẩn bị lực lượng, vật chất kỷ thuật sẵn sàng phục vụ đầy đủ, kịp thời cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân dân ta.
17 giờ ngày 26 tháng 4 năm 1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử nổ tiếng súng mở màn. Quân ta mở các cuộc tiến công lớn vào Sài Gòn trên tất cả các hướng. Thời điểm này Hậu cần chiến dịch đã chuẩn bị được 55.000 tấn vật chất hậu cần kỷ thuật; về đảm bảo quân y đã tổ chức bố trí ở các hướng có 15 bệnh viện và 17 đội triều trị chuẩn bị sẵn sàng tiếp nhận cứu chữa thương binh.
Đúng  11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975, Quân đoàn  2 đã tiến vào dinh Độc lập. Tổng thống Dương Văn Minh cùng toàn bộ nội các của chính quyền Việt Nam Cộng hòa phải đầu hàng vô điều kiện.
Do chủ động, tích cực theo phương  án tác chiến, các đoàn hậu cần đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, là lực lượng “đi trước về sau”, Hậu cần chiến dịch đảm bảo kịp thời, đầy đủ vật chất cho các lực lượng tác chiến, một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của chiến dịch.
b) Kết quả đạt được:
Giai đoạn 1973-1975 tổ chức của Cục Hậu cần Miền  ngày càng hoàn thiện, ổn định và hoạt động hiệu quả, kết quả đã thành lập được 12 phòng, bao gồm: phòng 1 : Tham mưu – kế hoạch; phòng 2:  Chính trị; phòng 3: Quân nhu; phòng 4: Quân giới; phòng 5: Quân y; phòng 6: Tài vụ; phòng 7: Quản trị;; phòng 8: Xăng xe; phòng 9: Vận tải; phòng 10: Văn phòng Cục; phòng 11: Vật tư và phòng 12: Kiến thiết cơ bản. Cục Hậu cần Miền còn có nhiều bệnh viện, đội điều trị và 8 đoàn hậu cần gồm các đoàn: 210, 220, 230, 235, 240, 340,770, 814. Ngoài ra, Cục Hậu cần Miền còn thành lập các trường đào tạo cán bộ, chiến sỹ: Trường Hậu cần H12, trường Y sĩ H24B, trường Văn hóa H240.
Tổng kết quả tạo nguồn vật chất  giai đoạn 1973 – 1975 được: 233.111 tấn. Trong đó:
-Trung ương chi viện 108.453 tấn vật chất, có 37.266 tấn vũ khí đạn dược, 36.000 tấn xăng dầu… 2.710 xe ôtô và số lượng ngoại tệ rất lớn từ 1970- 1975 trên 30 triệu đô la.
- Thu mua 91.318 tấn gồm có 85.031 tấn lương thực, 6.287 tấn xăng dầu.
- Sản xuất 4.305 tấn.
- Thu được của địch là 29.035 tấn.
Kết quả trong 3 năm 1973-1975 đã đào tạo được 112 chủ nhiệm hậu cần trung đoàn và tương đương, 127 bác sĩ, 288 quân y sĩ, 73 dược sĩ, hàng trăm trợ lý các ngành nghiệp vụ quân nhu, quân y, quân giới, vận tải tài vụ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ để đảm bảo thống nhất tương đối về quy tắc, nề nếp chế dộ và nội dung công tác hậu cần trong toàn Miền.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Cục Hậu cần Miền về tiếp quản toàn bộ hậu cần của chế đọ cũ tại Sài Gòn, chỉ cử một số đồng chí ở lại Căn cứ Cục Hậu cần Miền để giải quyết các công việc còn tồn đọng. Đến cuối năm 1976 đầu năm 1977 thì rút hoàn toàn khỏi căn cứ Cục Hậu cần Miền.
Trải qua 38 năm (1975-2013) sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, di tích Cục Hậu cần Miền tại khu vực Cầu Trắng là địa điểm để thể hiện tấm lòng tri ân mang đậm tính nhân văn, nghĩa tình đồng đội. năm 2009, cụm công trình nhà bia truyền thống Cục Hậu cần Miền được khởi công xây dựng từ nguồn kinh phí “uống nước nhớ nguồn”, kinh phí đóng góp của cán bộ, công nhân viên chức, lao động thuộc Tổng cục Hậu cần, đơn vị thi công là Binh đoàn 11 thuộc Tổng cục Hậu cần. năm 2010, Ban liên lạc truyền thống Quân y Miền đã xây dựng Nhà bia tưởng niệm, Nhà tưởng niệm Quân, dân y là tấm lòng cao đẹp của những người đồng đội các liệt sĩ, là một nét son tô thắm thêm truyền thống “đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.
5. sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng liên quan dến di tích:
Di tích Địa điểm Căn cứ Cục Hậu cần Quân giải phóng miền Nam Việt Nam giai đoạn 1973-1975 là nơi giáo dục, học tập truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ của đất nước. Hằng năm, di tích tiếp đón nhiều đoàn cựu chiến binh, học sinh và nhân dân trong và ngoài tỉnh đến tìm hiểu, nghiên cứu, học tập về lịch sử, tưởng niệm tri ân các anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
6. khảo sát di tích:
Hiện nay, di tích địa điểm căn cứ Cục hậu cần Quân giải phóng miền Nam Việt Nam giai đoạn 1973-1975 tọa lạc tên di tích mặt bằng khoảng 15.000m2 (1,5ha) bao gồm: Nhà bia tưởng niệm và Nhà trưng  bày lưu niệm Cục Hậu cần Miền; Hội trường; Nhà bia tưởng niệm và Nhàn tưởng niệm Quân, dân y; Nhà bia liệt sĩ xã Lộc Hiệp.Các hạng mục phụ trọ có nhà bảo vệ, nhà vệ sinh, hệ thống tường rào, chậu hoa, lối đi bao quanh di tích.
Di tích có các vị trí sau:
- Phía Đông và phía Bắc: giáp Hồ Cầu Trắng;
- Phía Tây: giáp đường tỉnh lộ DT748;
- Phía Nam: giáp phần đất dự trữ của UBND xã Lộc Hiệp;
* Nhà bia tưởng niệm và Nhà trưng bày lưu niệm Cục Hậu cần Miền:
Công trình nhà bia tưởng niệm và Nhà trưng bày lưu niệm của Cục Hậu cần Miền do Tổng cục Hậu cần – Quân đội nhân đân Việt Nam làm chủ đầu tư; đơn vị Binh đoàn 11 được giao trách nhiệm thiết kế, lập dự án và thi công.
-Nhà trưng bày lưu niệm Cục Hậu cần Miền:
Được xây dựng theo lối kiến trúc hiện đại, cửa chính hướng về phía Đông, hướng ra hồ Cầu Trắng. Nhà có 3 cửa ra vào, 01 cửa chính và 02 hai cửa phụ hai bên, ngoài ra còn có hành lang rộng hơn 1m phía trước. Phía tây của công trình gồm cầu thang đi lên xuống nhà bia tưởng niệm và vườn hoa tạo cảnh quan. Bên trong Nhà trưng bày lưu niệm có diện tích khoảng 112m2, nền lót gạch. Đây là nơi trưng bày, lưu giữ những hiện vật, tài liệu, hình ảnh có lien quan đến cán bộ, chiến sỹ Cục Hậu cần Miền trong các giai đoạn tử khi hình thành, phát triển đến khi kết thúc hoạt động tại khu vực Cầu Trắng.
Nhà trưng bày lưu niệm được trưng bày hình ảnh, hiện vật theo từng giai đoạn, gồm 05 giai đoạn:
- Giai đoạn 1 (từ tháng 7/1954 đến 1960) : Trưng bày hình ảnh, hiện vật xây dựng các vùng căn cứ, dựa vào nhân dân, thực hiện hậu cần tại chỗ đảm bảo cho đấu tranh chính trị tiến lên vũ trang khởi nghĩa.
- Giai 2 (từ 1961 đến 1965): Trưng bày hình ảnh, hiện vật hệ thống tổ chức hậu cần chiến trường hình thành và phát triển, triệt để khai thác nguồn tại chỗ, đảm bảo cho lực lượng vũ trang đánh thắng “chiến lược chiến tranh đặc biệt”.
- Giai đoạn 3 (từ 1965 đến 1968): Trưng bày hình ảnh, hiện vật Hậu cần B2 phát triển về mọi mặt, xây dựng thế trận hậu cần liên hoàn vững mạnh, phát huy cao độ nguồn hậu cần tại chỗ, đồng thời tranh thủ suwj chi viện to lớn của trung ương đảm bảo cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu thân 1968.
- Giai đoạn 4 (từ 1969 đến 1972): Trưng bày hình ảnh, hiện vật Hậu cần B2  vượt qua thời kỳ khó khăn quyết liệt, kịp thời mở rộng phạm vi hoạt động sang Campuchia tạo thế và lực mới, đảm bảo cho cuộc tấn công chiến lược 1972 giành thắng lợi.
- Giai đoạn 5 (1973 đến 1975): ): Trưng bày hình ảnh, hiện vật công tác Hậu cần B2 tranh thủ thời cơ thuận lợi ra sức tạo thế, tạo lực mạnh, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn.
Ngoài ra, Nhà trưng bày lưu niệm còn trưng bày một số hình ảnh của các vị lãnh đạo chỉ huy Cục Hậu cần Miền từ năm 1962 đến năm 1975.
Đây còn là hội trường trang bị: Tượng Bác Hồ, hệ thống âm thanh, bàn ghế… là nơi ôn lại truyền thống đấu tranh bất khuất, kiên cường của cán bộ, chiến sỹ thuộc Cục Hậu cần Miền khi về thăm lại chiến trường xưa.
- Nhà bia tưởng niệm:
Nhà bia tưởng niệm được xây dựng phía trên của Nhà trưng bày lưu niệm, bao gồm nhà bia bà nhà sân. Có diện tích 112m2.
Nhà bia được xây dựng theo lối kiến trúc đơi giản với 02 lầu 08 mái. Nhà bia gồm 04 cột bê tông hình tròn, mái lợp ngói vẩy cá, nền lát đá granite, cao cách nền sâu 20cm. Bia tưởng niệm nằm chính giữa nhà bia tưởng niệm. Bia được xây dựng bằng gạch, ốp đá granite có chiều cao 2m, rộng 1,5m. Mặt trước của bia có khắc nội dung: “Di tích lịch sử cách mạng Căn cứ Cục Hậu cần – Bộ Tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam. (Cục Hậu cần Miềm). Nơi đây: Khu vực Cầu Trắng, xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước là căn cứ của Cục Hậu cần Miền (B2) từ đầu mùa khô năm 1972- 1973 đến tháng 4/1975. Là một bộ phận của Hậu cần chiến lược, Cục Hậu cần Miền đã trực tiếp giúp trung ương Cục Miền Nam. Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền chỉ đạo tổ chức, đảm bảo hậu cần cho các lực lượng vũ trang giải phóng chiến đấu, chiến thắng, góp phần vào thắng lợi vẽ vang của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Thống nhất đất nước.
Tổng cục Hậu cần, xây dựng nhân kỷ niệm 60 năm truyền thống ngành hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam (11.7.1950 – 11.7.2010)”.
Mặt sau của bia có khắc nội dung: “Bộ Tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam – Cục Hậu cần Miền”.
Cách nhà bia 2m về phía trước có đặt 01 lư hương bằng đá trắng.
* Hội trường:
Hội trường được xây dựng vào năm 2010, nằm phía bên trái của nhà trưng bày lưu niệm Cục Hậu cần Miền. đây lai nơi diểm ra các hoạt động họp mặt, kỷ niệm cho các đơi vị, hội cựu chiến binh và nhân dân vào các ngày lễ. ngày kỷ niệm của đát nước.
Hội trường có diện tích khoảng 200m2 được xây dựng bằng gạch, xi măng cốt thép, phần mái được gép bằng khung sắt, mái lợp tôn.
*Nhà bia tưởng niệm và nhà tưởng niệm Quân, dân y – Cục Hậu cần Miền:
Nhà bia tưởng niệm và nhà tưởng niệm Quân, dân y được xây dựng bên phải nhà bia tưởng niệm, Nhà trương bày lưu niệm Cục Hậu cần Miền. Công trình dược xây dựng vào năm 2010, do Ban liên lạc truyền thống Quân y của Cục Hậu cần Miền quyên góp, đàu tư xây dựng. Công trình bao gồm 02 phần:
Nhà bia tưởng niệm và Nhà tưởng niệm.
- Nhà bia tưởng niệm:
Nhà bia tưởng niệm được xây dựng với lối kiến trúc đơi giản, gồm 4 cột bê tong hình tròn, cột đúc bằng bê tong cốt thép, mái lợp ngói vảy cá, nền lát đá granite. Bia được xây dựng bằng ghạch, ốp đá granite, có chiều cao 2,2m, rộng 1m. Bia được đặt trên bậc tam cấp.
Mặt trước bia có khắc ghi nội dung: “BIA TƯỞNG NIỆM HƠN CHÍN NGÀN (9.000) LIỆT SỸ QUÂN, DÂN Y VÀ THƯƠNG BỆNH BINH ĐÃ HY SINH TẠI CÁC BỆNH VIỆN VÀ ĐỘI ĐIỀU TRỊ QUÂN Y MIỀN ĐẾN NAY HÀI CỐT VẨN CHƯA QUY TẬP ĐƯỢC”.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tại chiến trường B2 đã có 34 bệnh viện quân y và 13 đội điều trị quân y cơ động thuộc Cục Hậu cần Miền (B2) đã ngày đêm bám sát chiến trường phục vụ các lực lượng vũ trang quân giải phóng. Song do tính chất ác liệt của cuộc chiến, đã có nhiều thương bệnh binh hy sinh trong khi điều trị và nhiều cán bộ, nhân viên quân y và dân y biệt phái đã anh dũng hy sinh trong khi phục vụ cà cầm sung bảo vệ thương bệnh binh.
Đến nay sau 35 năm miền Nam hoàn toàn giải phóng, hơn 9.000 liệt sỹ (Trong đó có hơn 500 liệt sỹ là cán bộ, nhân viên quân, dân y) còn nằm lại ở các căn cứ bệnh viện và đội điều trị quân y Miền năm xưa, hài cốt chưa quy tụ được.
Kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh vì Tổ Quốc.
Mặt phía sau bia có khắc ghi nội dung “ Đồng đội chung tay xây dựng nhà Tưởng niệm khắc bia vàng trưởng nhớ Tri Ân!
BAN LIÊN LẠC TRUYỀN THỐNG QUÂN Y MIỀN ĐÔNG NAM BỘ XÂY DỰNG NHÂN KỶ NIỆM 35 NĂM MIỀN NAM HOÀN TOÀN GIẢI PHÓNG ( 30.4.1975 – 30.4.2010)”.
Nhà tưởng niệm:
Công trình được xây dựng phía sau nhà bia tưởng niệm, được xây dựng bằng gạch, bê tông cốt thép xây dựng theo lối kiến trúc đơn giản, mái lợp ngói vẩy theo lối cổ lầu 08 mái, trên nóc mái đắp nổi hình Lưỡng Long chầu nhật, các góc mái thể hiện các bức phù điêu hình mây cách điệu.
Nhà tưởng niệm nhìn tổng thể giống ngôi đình làng truyền thống của người Việt có diện tích khoảng 80m2, được xây dựng theo kiểu 05 gian, 04 chái. Không gian bên trong được chịu lực bởi 08 cột tròn bằng bê tông, gian chính giữa thờ Bác Hồ, các bức tường ở các gian còn lại được ốp bia đá, khắc họ và tên hơn 3000 anh hùng liệt sỹ đã hy sinh của Quân y Miền nhưng vẫn chưa tìm được hài cốt. Ngoài ra, bên trong còn có các tủ sách, tủ tư liệu, bàn ghế và một bộ máy chiếu, ti vi chiếu phim tư liệu phục vụ nhân dân khi đến viếng thăm tại đây.
Mái nhà tưởng niệm lợp ngói đỏ mũi hài, trên đỉnh mái được đắp nổi tượng Lưỡng Long chầu nhật. Bốn đầu đao mái uốn cong có tượng rồng đắp nổi.
Nhà bia liệt sỹ xã Lộc Hiệp:
Công trình được xây dựng bên trái nhà tưởng niệm quân dân y, để ghi nhớ công ơn và tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc của xã Lộc Hiệp.
Hiện nay, cổng của nhà tưởng niệm liệt sỹ quân dân y được sử dụng làm cổng ra vào chính, với thiết kế kiểu tam quan, mái lợp ngói đỏ mũi hài, trên đỉnh mái được đắp nổi tượng Lưỡng Long chầu nhật. Các đầu đao uốn cong có tượng rồng, phụng đắp nổi.
Tất cả các công trình tạo thành một cụm công trình chạy dài theo đường ĐT748.
Sơ đồ phân bố di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích
Trong nhà trưng bày lưu niệm Cục hậu cần Miền hiện nay đang trưng bày một số hiện vật, hình ảnh, tài liệu liên quan đấn quá trình hoạt động và chiến đấu của cán bộ, chiến sỹ Cục Hậu cần Miền qua các thời kỳ.
( Có danh mục thống kê hiện vật kèm theo)
Giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ của di tích:
Công tác Hậu cần Miền giai đoạn 1973-1975 đã hoàn thành tranh thủ thời cơ thuận lợi, ra sức tạo thế, tạo lực mạnh, đảm bảo cho giai đoạn cuối của chiến tranh, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn thống nhất đất nước.
Cục Hậu cần Miền giai đoạn 1973-1975 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung to lớn đối với công tác hậu cần của cả nước trong cuộc kháng chiến chống mỹ cứu nước. Sự thành công của công tác hậu cần Miền giai đoạn 1973-1975 là một trong những thành công quan trọng, là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ tại chiến trường. Đó còn là thành tựu phấn đấu rất đáng tự hào của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, nhân viên toàn ngành hậu cần ở chiến trường, luôn dũng cảm, kiên cường, có nghị lực, có tinh thần cách mạng tiến công tự lực, tự cường rất cao, dám chịu đựng mọi khó khăn, gian khổ, dám hy sinh vì cách mạng, luôn nêu cao ý thức đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, đoàn kết Bắc – Nam đoàn kết Quốc tế, luôn trung thành, tận tụy, phấn đấu cao để hoàn thành mọi nhiệm vụ.
Công tác của cục Hậu cần Miền giai đoạn 1973-1975 là công tác hậu cần của chiến tranh nhân dân, thể hiện tính cách mạng, tính nhân dân rất sâu sắc, tính chiến đấu, tính tổ chức rất cao, tính khoa học ngày càng rõ rệt. Tổ chức và sự hoạt động của Cục hậu cần Miền giai đoạn 1973-1975 trên các lĩnh vực đều rất phong phú, đa dạng, linh hoạt và sáng tạo, có những nét độc đáo, thích hợp với đặc điểm chiến trường và sự phát triển của chiến tranh qua các giai đoạn, từ việc xác định chức năng nhiệm vụ đến việc tổ chức bố trí hậu cần, gắn liền với xây dựng và củng cố căn cứ địa hậu phương tại chỗ, xây dựng nên thế trận hậu cần với hình thức tổ chức các khu vực hậu cần liên hoàn, với sự hoàn chỉnh đó của tổ chức, càng tăng tính vững chắc trong quá trình bám trụ địa bàn chiến lược, vừa có tính cơ động bảo đảm cho các lực lượng vũ trang, lại vừa có thể áp dụng linh hoạt các phương pháp xây dựng và khai thác các nguồn bảo đảm, nhất là khai thác trong vùng địch, khai thác ở Campuchia, triển khai các phương thức bảo đảm hậu cần một cách hiệu quả cho ba thứ quân hoạt động trên cả ba vùng chiến lược, nhất là ở vùng đô thị. Chính vì vậy mà cục hậu cần Miền đã tồn tại, phát triển mạnh mẽ và hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ bảo đảm ở một chiến trường trọng điểm có vị trí chiến lược rất quan trọng, trong cuộc chiến tranh lâu dài, gian khổ và vô cùng ác liệt.
Từ thắng lợi to lớn và toàn diện của Cục Hậu cần Miền, chúng ta có thể khẳng định: trong cuộc kháng chiến chống Mỹ vĩ đại của dân tộc, kết quả về tổ chức bảo đảm hậu cần đã thật sự là nhân tố quyết định thắng lợi của chiến tranh trên chiến trường B2.
Ý nghĩa của sự thành công đó của công tác hậu cần B2 giai đoạn 1973-1975 càng chứng minh sự đúng đắn, sáng tạo của đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng ta được vận dụng linh hoạt trong thực tiễn công tác hậu cần của chiến tranh giải phóng dân tộc. Những kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn, có thể nghiên cứu, vận dụng những kinh nghiệm ấy trong giai đoạn mới, trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Di tích Đại điểm căn cứ Cục Hậu cần Quân giải phóng miền Nam Việt Nam giai đoạn 1973-1975 là nơi lưu giữ những kỷ vật, hình ảnh, tư liệu về quá khứ hào hùng của toàn thể cán bộ, chiến sỹ của Cục hậu cần Miền năm xưa. Nơi đây là nơi giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống yêu nước của dân tộc ta cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau.
 
Di tích Đại điểm Căn cứ Cục Hậu cần Quân giải phóng miền Nam Việt Nam giai đoạn 1973-1975 là di tích lịch sử có vị trí quan trọng trong lịch sử chiến tranh cách mạng của quân và dân ta. Trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, căn cứ Cục Hậu cần Quân giải phóng miền Nam Việt Nam giai đoạn 1973-1975 đã góp phần to lớn vào các chiến dịch bảo vệ và mở rộng vùng giải phóng, đặc biệt là chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 Di tích Địa điểm Căn cứ Cục Hậu cần Quân giải phóng miền Nam Việt Nam giai đoạn 1973-1975 xứng đáng là di tích lịch sử quốc gia và có ý nghĩa sâu sắc trong việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng.
Với giá trị lịch sử to lớn của di tích Địa điểm Căn cứ Cục hậu cần Quân giải phóng miền Nam Việt Nam giai đoạn 1973-1975, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã lập hồ sơ khoa học di tích tham mưu UBND tỉnh Bình Phước trình bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định công nhận xếp hạng di tích quốc gia.

Nguồn tin: Đề án: Đầu tư, phát triển Du lịch trên địa bàn huyện giai đoạn 2015-2020

Tổng số điểm của bài viết là: 30 trong 9 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Tin mới nhất

Văn bản mới

Danh ngôn

Cuộc sống của ta đáng giá bằng những cố gắng đã bỏ ra.

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 3


Hôm nayHôm nay : 1143

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 19119

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 1227006