11:15 ICT Thứ năm, 08/06/2023

Trang nhất » Tin Tức » Kiến Trúc cổ thời Pháp thuộc

Bệnh viện Đa khoa huyện Lộc Ninh

Thứ hai - 18/01/2016 20:06
a) Tên gọi được thống nhất trong hồ sơ khoa học di tích: Bệnh Viện Lộc Ninh (công trình kiến trúc thời Pháp thuộc)
b) Các tên gọi khác của di tích và nguồn gốc tên gọi:
Hôpital de Loc Ninh (tên gọi trong thời kỳ tư bản Pháp quản lý điều hành). Bệnh Viện Lộc Ninh là tên gọi sau khi huyện Lộc Ninh được giải phóng 1972 cho đến nay. (Lộc Ninh là tên địa danh do Nhà Nguyễn đặt, xuất hiện từ cuối thế kỷ XIX, là một tổng người dân tộc thiểu số thuộc tỉnh Thủ Dầu Một). Ngoài ra người dân địa phương thường gọi Hôpital de Loc Ninh là Bệnh viện Cinq gen (Cinq gen là tên địa danh Làng 5 – nơi ở của phu cao su thời Pháp), Nhà thương Làng 5, Bệnh viện Lộc Tấn.
Năm 1911, sau khi thành lập Công ty Cao su Xét – Xô có trụ sở đặt tại Lộc Ninh, tư bản Pháp mộ phu từ các tỉnh miền Bắc và từ Inđônêsia sang, chúng thành lập các làng theo tên gọi bằng tiếng Pháp thứ tự từ 1 -10 ( Làng 1, Làng 2, Làng 3…cho đến Làng 10).      
  2. Địa điểm và đường đi đến di tích:
a) Địa điểm di tích:
Theo cơ cấu hành chính của thực dân Pháp và Ngụy quyền:
Theo cơ cấu hành chính của thực dân Pháp từ năm 1937 – 1954, di tích Bệnh viện Lộc Ninh tọa lạc tại Làng 5 ( Cinq gen) thuộc Công ty cao su Xét – Xô (Société des Caout Choues d’ Extremê Orient) xã Lộc Ninh, quận Bù Đốp, tỉnh Thủ Dầu Một.
Theo cơ cấu hành chính của Ngụy quyền, từ 1955 – 1972 di tích thuộc Làng 5, xã Lộc Tấn, quận Lộc Ninh, tỉnh Bình Long.
Theo cơ cấu hành chính của cách mạng:
Từ 1946 – 1951, di tích Bệnh viện Lộc Ninh thuộc xã Lộc Ninh, quận Hớn Quản, tỉnh Thủ Dầu Một.  Từ 1951 – 1972 di tích Bệnh viện Lộc Ninh thuộc xã Lộc Ninh, quận Hớn Quản, tỉnh Thủ Biên.
Từ 1972 – 1975 di tích Bệnh viện Lộc Ninh thuộc xã Lộc Tấn, quận Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Từ năm 1976 đến 1997 di tích thuộc ấp 5A, xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh, tỉnh Sông Bé. Từ 1997 đến năm 2011 ( thời điểm lập hồ sơ di tích), di tích thuộc ấp 5A, xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.
b) Đường đi đến di tích:
Từ trung Thị Trấn Lộc Ninh đến di tích khoảng 5km.
Đến di tích bằng các phương tiện như: xe máy, ô tô đều thuận tiện.
3. Phân loại di tích:
Đây là di tích có giá trị về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật. Do đó loại hình di tích là: Di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật.
4. Sự kiện, nhân vật lịch sử và đặc điểm của di tích:
Tổng hợp các nguồn sự liệu, đặc biệt là nguồn từ các nhân chứng lịch sử:
Năm 1907 sau khi trồng thử nghiệm thành công cây cao su tại vườn Ông Yệm (Lai Khê, Bến Cát, tỉnh Thủ Dầu Một) nay là tỉnh Bình Dương. Tư bản Pháp bắt đầu mộ phu từ vùng Đồng Bằng Bắc Bộ của Việt Nam và công nhân từ Inđônêsia – thuộc địa của Hà Lan vào làm hợp đồng (contrat). Đất đai được khai phá, lấn chiếm khắp các tỉnh Đông Nam Bộ cho đến Tây Nguyên. Nhiều Công ty cao su được thành lập. Tại Lộc Ninh năm 1911, Công ty cao su Xét – Xô (Société des Caout Choues d’ Extremê Orient) được thành lập. Nhu cầu phát triển cây, khai thác, chế biến mủ cao su để phục vụ thị trường ngày càng cao. Để tạo dựng cơ sở cho chính sách khai thác thuộc địa lâu dài, đảm bảo điều kiện sinh sống, phục vụ nhu cầu sinh hoạt vui chơi giải trí, tôn giáo, tâm linh, khám chữa bệnh cho tư bản Pháp, tay sai và cả phu cao su. Nhiều công trình được đầu tư xây dựng như: chùa, nhà thờ, kho bãi, nhà máy chế biến mủ cao su, sân vận động, bệnh viện, văn phòng làm việc, chợ, đường sắt, nơi ở cho phu cao su,…
Tại Lộc Ninh, giới chủ Pháp thuộc Công ty cao su Xét – Xô (Société des Caout Choues d’ Extremê Orient) thành lập 10 làng làm nơi ở cho phu cao su với các tên gọi thứ tự từ làng 1 cho đến làng 10. Tại các làng chúng xây dựng nhà thờ, chùa…cùng một số công trình khác để thực hiện chính sách mị dân.
Cho đến những năm 1930 trở đi công nhân cao su nói chung và công nhân Công ty cao su Xét – Xô Lộc Ninh nói riêng không cam chịu cảnh lầm than cơ cực, đói khát, bệnh tật, bị chủ đối xử tệ…Công nhân đã đứng lên đấu tranh đòi được hưởng các quyền lợi tương xứng với sức lao động của mình bằng các cuộc biểu tình với các khẩu hiệu: chống cúp phạt lương, ngày làm việc 8 tiếng, chống đánh đập, được chăm sóc y tế…
Năm 1936, giới chủ Pháp xây dựng Hôpital de Loc Ninh – Bệnh viện Lộc Ninh để khám chữa bệnh cho chủ đồn điền, tay sai, phu cao su và một bộ phận nhân dân thuộc các đồn điền chúng quản lý.
Từ năm 1939 đến năm 1972 với tên gọi chính thức là  Hôpital de Loc Ninh còn phu cao su và nhân dân quanh vùng vẫn quen gọi là Nhà thương Làng 5 hay Bệnh Viện Cinq gen, Bệnh Viện Lộc Tấn. Đến năm 1972, Lộc Ninh là huyện đầu tiên của miền Nam được giải phóng, Hôpital de Loc Ninh được chính quyền cách mạng tiếp quản và đưa vào sử dụng và đổi tên thành Bệnh Viện Lộc Ninh. Bệnh viện Lộc Ninh thuộc Trung tâm y tế Bình Long, hoạt động theo mô hình bệnh viện quân – dân y kết hợp. Cũng từ năm 1972 sau khi được giải phóng, Lộc Ninh trở thành điểm tập kết của mọi nguồn lực miền Bắc vào. Bệnh viện Lộc Ninh trở thành điểm cứu thương, khám chữa bệnh cho các lực lượng vũ trang và nhân dân trong vùng. Từ năm 1977 Hôpital de Loc Ninh được đổi tên thành Bệnh Viện Lộc Ninh thuộc Trung tâm y tế huyện Lộc Ninh cho đến nay. Trong những năm chiến tranh Biên Giới Tây Nam (1977 -1979), bệnh viện đã kịp thời cứu chữa cho thương – bệnh binh và cả kiều bào từ Campuchia về lánh nạn diệt chủng Pôn Pốt. Từ năm 1979 đến 2008, Bệnh Viện Lộc Ninh là điểm khám chữa bệnh cho cán bộ và nhân dân trong huyện. Đến tháng 9 năm 2008, Bệnh Viện Lộc Ninh được đầu tư xây dựng mới và đi vào hoạt động ở một địa điểm khác. Bệnh Viện Lộc Ninh (công trình kiến trúc thời Pháp thuộc) được giữ lại làm di tích.
 
 
5. Sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng liên quan đến di tích:
Di tích Bệnh Viện Lộc Ninh (công trình kiến trúc thời Pháp thuộc) không có các hoạt động văn hóa tín ngưỡng.
6. Khảo sát di tích:
a) Đặc điểm khái quát:
Di tích nằm trong quần thể các công trình văn hóa nghệ thuật -  tín ngưỡng do Pháp xây dựng như: Nhà thờ Lộc Tấn, Chù Linh Thông, Nhà hát, Nhà kho và Nhà ở sinh hoạt hàng ngày cho phu cao su (contrat) thuộc Làng 5 – Cinq gen ( ấp 5A, xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước ngày nay). Các công trình di tích chia làm hai khu vực; khu vực phía Bắc và khu vực phía Nam Quốc Lộ 13, theo trục đối xứng.
Các công trình trong di tích được xây dựng theo lối kiến trúc mái vòm Pháp. Hệ thống mái có kết cấu bằng bê tông lưới thép và sỏi trắng dài 5cm, cuối mái vòm đắp xê nô chắn nước để tạo máng nước, dưới xê nộ là hệ thống các ống thoát nước. Hệ thống ống thoát nước được đúc bằng bê tông sỏi cốt thép nối từ xê nô xuống đất. Mái vòm có độ cao từ mặt đất lên đén đỉnh là 6,5m. Mái vòm có tác dụng cách nhiệt tốt, mùa nắng mát mẻ, mùa mưa ấm áp. Cách đỉnh vòm 4,2m là các mái hiên uốn lượn bằng gạch, nền láng xi măng. Trừ Nhà Nội Nữ ( nhà khám bệnh trung – cao cấp, 1972 – 2008), Nhà Đốc tờ người Pháp – Nhà làm việc của Bác sĩ người Pháp (Nhà hành chính, 1972 -2008) Nhà Đốc tờ người Việt – Nhà làm việc của Bác sĩ người Việt (Nhà chữa bệnh cho cán bộ hưu trí, 1972 – 2008), Nhà Vĩnh Biệt và dãy nhà phía Nam Quốc Lộ 13, còn các hạng mục khác được kết nối với nhau bằng hành lang mái vòm. Tất cả phòng ở và phòng làm việc đều thống thoáng có cửa ra vào hai cánh, mỗi cánh có chiều cao 2,4m chiều rộng 1,2m, cửa sổ có hai cánh mỗi cánh có chiều cao 1,8m và chiều rộng 1,4 mét, tất cả các cửa chính và cửa sổ được làm bằng gỗ quý (Dầu, Sao…), phủ sơn bảo vệ màu xanh dương. Toàn bộ di tích có hàng rào bao quanh. Mặt tiền đường Quốc Lộ 13, khu vực phía Bắc thời Pháp thuộc, hàng rào được trồng bằng hoa giấy, các mặt còn lại có hàng rào bằng trụ bê tông, dây kẽm gai. Khu vực phía Nam Quốc Lộ 13 bốn mặt là hàng rào làm bằng cột bê tông, dây kẽm gai.
b) Đặc điểm cụ thể:
Nhìn chung tổng thể công trình si tích Bệnh Viện Lộc Ninh được phân bố theo ô bàn cờ và theo trục Đông – Tây. Cụ thể di tích chia các công trình làm hai phần, phân bố hai bên đường Quốc Lộ 13, các dãy nhà bố trí song song với nhau. Một số các dãy nhà kết nối với nhau bằng hành lang có mái vòm. Hành lang mái vòm chịu lực bởi hai dãy cột, cả phần mái và phần cột được đổ bê tông cốt thép sỏi đá kiên cố. Phí Nam Quốc Lộ 13 có một dãy nhà chia làm 3 căn được bố trí 3 điểm thẳng hàng: Căn thứ nhất có kiến trúc mái vòm, tính theo hướng Đông – Tây, gọi là nhà Lây ( Nhà X’Quang, 1972 – 2008), có diện tích 110m2, căn thứ hai là Nhà Trực nữ hộ sinh ( Nhà tập thể, 1972 – 2008), có diện tích 77m2, mái lợp ngói tường xây). Căn nhà thứ ba có kiến trúc nhà mái vòm gọi là Nhà Bảo Sanh ( Khoa khám bệnh, 1972 – 2008) chia làm 3 phòng: phòng xét nghiệm, phòng sanh và phòng Hậu sản. (Khoa khám bệnh, 1972 – 2008) gồm các phòng khám bệnh, phòng xét nghiệm, phòng siêu âm…
Phía Bắc Quốc Lộ 13 có 4 dãy nhà và một căn nhà độc lập gọi là khu Nhà Đốc Tờ ( Nhà hành chính, 1972 – 2008). Nhà Đốc Tờ người Pháp là nhà ở và nơi làm việc của Bác sĩ người Pháp – quản lý điều hành bệnh viện ( sau đây gọi tắt là Đốc Tờ). Nhà có diện tích 250m2, gồm 1 trệt, 1 lầu, phần trệt có mái hiên vòm cung, diện tích 6m2, được chống đỡ bởi hai trụ bê tông tròn. Nhà Đốc Tờ được chia làm bốn phòng, phần trệt 2 phòng, phần lầu 2 phòng. Nhà Đốc Tờ có đặc điểm là mái vòm nhưng mái được trốn bởi các tường bao quanh xây che khuất tạo cảm giác nhìn giống nhà mái bằng.
Các dãy còn lại:
Dãy nhà thứ nhất có 2 căn:
Tính theo hướng Tây – Đông; căn thứ nhất là nhà khám bệnh cấp thuốc ( Khoa tiếp nhận bệnh, 1972 – 2008) chia làm 5 phòng với diện tích là 352m2, thứ tự là phòng mổ, phòng bác sĩ trực, phòng chụp X’quang, phòng khám, phòng dược. Giữa dãy nhà có một hành lang để đi lại và là nơi để xe cứu thương có thể cơ động đậu, đỗ để chuyển bệnh nhân cấp cứu. Căn thứ nhất nối với căn thứ hai theo hướng Tây – Đông là hành lang mái vòm với diện tích 144m2. Căn thứ hai gọi là Nhà Băng ( Khoa Nhi – Đông y, 1972 – 2008), có diện tích 440m2 chia làm 4 phòng; phòng trực y tá, phòng cấp cứu – nhi, phòng điều trị và phòng dưỡng bệnh, ở giữa căn thứ 2 có hành lang để tạo độ thoáng khí cho bệnh nhân.
Dãy nhà thứ hai có 3 căn:
Căn thứ nhất, đứng độc lập là nhà ở và làm việc của Đốc tờ người Việt – bác sĩ người Việt (bác sĩ phụ giúp công tác quản lý và điều hành bệnh viện cho Đốc Tờ người Pháp). Sau năm 1972, căn nhà này còn được sử dụng làm nơi chữa bệnh cho cán bộ hưu trí. Đặc điểm là nhà mái vòm có diện tích 126m2. Căn thứ hai là Nhà Bại (Khoa Ngoại – Sản, 1972 – 2008) có diện tích 528m2, chia làm hai phần ( tính theo hướng Tây – Đông). Trước năm 1973, phần thứ nhất gồm các phòng bệnh ngoại nam, ở giữa là hành lang trống nối với dãy thứ nhất và dãy thứ ba. Phần thứ hai gồm các phòng bệnh ngoại nữ. Ngoài ra trước năm 1972, còn có các phòng săn sóc đặc biệt sau hậu phẫu. Sau 1972 căn nhà này gọi là Khoa Ngoại – Sản bao gồm Khoa Ngoại và Khoa Sản. Căn thứ 3 là nhà Nội Nữ ( Nhà khám, chữa bệnh trung – cao cấp, 1972 – 2008), có diện tích 132m2. Đặc điểm nhà mái vòm, được bố trí độc lập. Nhà có các phòng như phòng vệ sinh, phòng y tá trực, phòng chữa bệnh bố trí 2 dãy dường bệnh có lối đi ở giữa, không có phòng ngăn cách.
Dãy thứ ba có 3 căn:
Tính theo hướng Tây – Đông, căn thứ nhất bếp nấu ( đã bị đổ nát), diện tích nền 219m2, đặc điểm còn Bếp lò, cột khói bằng bê tông.
Căn thứ 2 là Nhà ăn ( Khoa dược, 1972 – 2008) diện tích 308m2, đặc điểm nhà mái vòm có hành lang ở giữa nối thông với các dãy thứ nhất, thứ hai, thứ tư và nhà Nội Nam.
Căn thứ 3 là nhà Nội Nam, có diện tích 264m2, đặc điểm nhà mái vòm, có phòng vệ sinh, phòng y tá trực, phòng chữa bệnh Phòng chữa bệnh trống trả để bố trí 2 dãy dường cho bệnh nhân, ở giữa là lối đi.
Dãy thứ tư gồm có 2 căn:
Tính theo hướng Tây – Đông, căn thứ nhất là Nhà Lao, có diện tích 132m2, đặc điểm là nhà mái vòm, có 2 phòng, được nối thông bằng hành lang có mái vòm với các dãy thứ nhất, thứ hai, thứ ba.
Căn thứ 2 là Nhà Vĩnh Biệt, có diện tích 48m2, đặc điểm là nhà mái vòm, bố trí cách biệt với các hạng mục khác.
Ngoài ra các dãy nhà còn được nối với nhau bằng 06 hành lang mái vòm.
7. Sơ đồ phân bố di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích:
Theo kết quả điều tra, khảo sát, tại thời điểm lập hồ sơ di tích ( 2011) chưa phát hiện có các hiện vật là di vật, bảo vật quốc gia tại di tích Bệnh viện Lộc Ninh ( công trình kiến trúc thời thuộc Pháp).
8. Giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ của di tích:
a) Giá trị lịch sử, văn hóa:
Đây là công trình có giá trị về mặt lịch sử cho cả địa phương và vùng, miền vì hội tụ những yếu tố sau:
Một trong những công trình đánh dấu quá trình khai thác thuộc địa mà thực dân Pháp xây dựng còn tồn tại cho đến ngày nay trên vùng đất miền Đông Nam Bộ nói chung và vùng đất Bình Phước nói riêng.
Một công trình xây dựng vào thời gian mà các cuộc đấu tranh đòi quyền lời của giai cấp công nhân mà cụ thể là công nhân cao su ở các đồn điền trong đó có đồn điền cao su Lộc Ninh – Phú Riềng diễn ra một cách sôi nổi, quyết liệt khi mà tổ chức tiền phong của giai cấp công nhân – Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thành lập ( 03/02/1930).
Một công trình y tế có quy mô lớn, được xây dựng kiên cố, có giá trị nghệ thuật tiêu biểu trên vùng đất Bình Phước. Xét về mặt thời gian thì đây cũng là công trình có chiều dài lịch sử gần 1 thế kỷ ( tính đến thời điểm năm 2011).
Đặc biệt sau khi Lộc Ninh được giải phóng trong Chiến dịch Nguyễn Huệ (07/4/1972). Lộc Ninh trở thành Thủ phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, trở thành điểm tập kết mọi nguồn lực cho chiến trường miền Nam. Nơi đóng chân của Căn cứ Quân ủy và Bộ Chỉ huy các Lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam. Công trình được chính quyền cách mạng tiếp quản, làm bệnh viện quân dân y kết hợp; trở thành trung tâm khám, chữa bệnh cho rất nhiều chiến sĩ, thương bệnh binh bao gồm cả lực lượng vũ trang địa phương và các sư đoàn chủ lực như: Sư đoàn 7, Sư đoàn 9, Sư đoàn 5…và nhân dân trong vùng cho đến năm 1976.
Từ năm 1977 cho đến 1979, chiến tranh Biên Giới Tây Nam nổ ra ác liệt, Bệnh viện Lộc Ninh lại một lần nữa cứu chữa, chăm sóc y tế cho rất nhiều thương – bệnh binh, nhân dân trong vùng bị nạn và kiều bào từ Campuchia về lánh nạn chiến tranh.
Từ 1979 cho đến cuối năm 2008, Bệnh viện Lộc Ninh tiếp tục khám chữa bệnh cho các Lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương cho đến khi dời về cơ sở mới tháng 9/2008.
Vì vậy Bệnh viện Lộc Ninh trở thành nơi không chỉ có ý nghĩa nhân văn, giá trị kiến trúc nghệ thuật mà còn chứa đựng một giá trị lịch sử to lớn trong diễn trình lịch sử dân tộc nói chung và Bình Phước nói riêng.
b) Giá trị khoa học nghệ thuật, thẩm mỹ:
Là một di tích đặc biệt không chỉ có giá trị lịch sử mà còn có cả giá trị khoa học nghệ thuật vì đây là một công trình kiến trúc dân dụng được xây dựng kiên cố theo lối kiến trúc nhà mái vòm chống chọi được với khí hậu nhiệt đới của khu vực miền Đông Nam Bộ. Nhờ hệ thống mái vòm, mùa mưa dễ thoát nước và giữ nhiệt làm cho không gian ấm áp, mùa nắng mát mẻ vì đã có hệ thống mái bê tông sỏi dày 5cm cách nhiệt, mái hiên vòm uốn lượn có chiều rộng 1,8m, có tác dụng tránh ánh nắng đổ về chiều tránh mưa hắt khi giông gió, và một hệ thống cửa sổ bố trí hợp lý đồng thời các căn nhà được bố trí cách nhau từ 17m đến 44m tạo được không gian thoáng đãng mát mẻ. Tất cả các hạng mục – công trình được thiết kế khoa học và quy hoạch chi tiết, tính toán hợp lý.
10. Phương hướng bảo vệ và phát huy giá trị di tích:
Hướng lâu dài phục hồi một số phòng chức năng, mở dịch vụ chăm sóc sức khỏe theo phương pháp dân gian, theo các bài thuốc của y học dân tộc và dân tộc bản địa phục vụ khách du lịch. Phục hồi một số phòng làm nơi làm việc của bộ phận quản lý di tích, nhà trưng bày di tích qua các thời kỳ, nhà truyền thống ngành ý tế huyện Lộc Ninh…
Di tích Bệnh viện Lộc Ninh có vị trí rất thuận lợi nằm trên đường quốc lộ 13 cách thị trấn Lộc Ninh 4km cách thị xã Bình Long 30km, cách thị xã Phước Long 60km, cách cửa khẩu quốc tế Hoa Lư 15km. Nằm trong quần thể rất nhiều di tích cấp quốc gia trên địa bàn huyện Lộc Ninh. Đây là một vị trí rất thuận lợi để bảo tồn và phát huy tác dụng di tích.

Nguồn tin: Đề án: Đầu tư, phát triển Du lịch trên địa bàn huyện giai đoạn 2015-2020

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Tin mới nhất

Văn bản mới

Danh ngôn

Bạn đối xử với người khác như thế nào, họ sẽ đối xử với bạn như vậy.

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 2


Hôm nayHôm nay : 339

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 5422

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 1285793